Các nguyên tắc vàng hổ trợ bé phát triển EQ
Khái niệm về “thông minh cảm xúc” xuất hiện sau khái niệm “trí thông minh” khá lâu và là kết qua từ công trình nghiên cứu của Salovey và Mayer vào những năm 1990. Sau đó khái niệm tiếp tục được hiệu chỉnh và bổ sung và cho đến công trình nghiên cứu của Goleman (1998) thống nhất định nghĩa “thông minh cảm xúc” dựa trên 4 lĩnh vực tuần tự như sau: (1) Khả năng tự nhận thức cảm xúc bản thân; (2) Khả năng kiểm soát được cảm xúc và xung động hiện tại để từ đó có cách thích ứng đối với những thay đổi của tình huống; (3) Khả năng nhận diện được cảm xúc của người khác và biết phản ứng một cách thích hợp; (4) Khả năng truyền cảm ứng và thúc đẩy người khác phát triển và quản lý xung đột.
05 Nguyên tắc Vàng giúp trẻ phát triển EQ
- Hãy giúp trẻ nhận diện cảm xúc của chính mình
Người lớn khi hỏi chuyện trẻ con thường quan tâm đến việc “Hôm nay con học như thế nào? Ăn gì? Ngủ đủ không? Làm hết bài tập chưa?…”. Hầu như rất rất ít có các câu hỏi để hỏi trẻ về việc “Con cảm thấy thế nào” trước một tình huống cụ thể nào đó (học, chơi, sinh hoạt,…). Tương tự, cũng có khá nhiều trẻ hầu như không có thói quen quan tâm đến cảm xúc của mình. Cho đến khi gặp một tình huống gây hấn nào đó thì trẻ dể có hành vi nổi xung, bộc phát.
Vấn đề ở đây không hẳn là trẻ không có thói quen quan tâm đến cảm xúc, mà là nếu có thì cũng không biết gọi tên cảm xúc đó ra và do đó cũng không biết diễn đạt bằng lời như thế nào. Vậy thì trước khi nhận diện được cảm xúc, người lớn hay cung cấp cho trẻ các tên gọi khác nhau và giải thích tận tường cho trẻ nghĩa của chúng. Bài tập thực hành có thể là những tình huống tự đặt ra và cho trẻ tự đi tìm cảm giác của mình trong tình huống đó là gì.
- Hãy để trẻ diễn đạt nỗi lòng ra ngoài bằng cách lắng nghe tích cực
Đi từ bài tập thực hành ở trên cho đến bài tập thực tế ngoài đời, không phải người lớn nào cũng đủ tỉnh táo để giải quyết tình huống. Lắng nghe tích cực là nghe không nhận xét, không đánh giá, không phê phán và đồng tình với cảm xúc hiện tại của trẻ. Đây là một cách cực kỳ hữu hiệu để người lớn tiếp cận được các cảm nghĩ chân thật của con, để nếu có lệch lạc và tiêu cực thì người lớn cũng biết đường mà hướng tới một cách suy nghĩ khác tích cực hơn. Định nghĩa gần đây cho rằng “Người thông minh là người hiểu mau một tình huống mới và thích ứng nhanh với tình huống đó”, trong khi trẻ nhỏ thường non nớt trong những tình huống mới, bằng cách đồng cảm cùng trẻ thì sẽ dể dàng tạo cho trẻ những phản xạ phản ứng nhanh rồi dần dần trở thành thói quen thích ứng.
- Hãy biết để cho con biết ấm ức để còn lớn lên.
Sự ấm ức thật ra đem lại nhiều điều lợi hơn mọi người vẫn tưởng. Ấm ức thua thiệt tạo ra sự cố gắng phấn đấu để vươn lên. Ấm ức do không được đáp ứng làm cho con người phải tự điều chỉnh bản thân để thích ứng với tình huống. Người biết vượt qua được cảm giác ấm ức cũng thường giàu lòng vị tha hơn và thấu hiểu cảm giác của người khác hơn.
Tiêu chí mang tính “đa năng” khi mà việc việc đối mặt với sự ấm ức dần dần được tôi luyện thành kỹ năng quản lý xung đột, quản lý cảm xúc, kỹ năng thích ứng tình huống và nhất là biết nhận ra cảm xúc của người khác, một trong những kỹ năng căn bản để thiết lập các quan hệ cộng đồng và xã hội.
- Hãy là tấm gương cho trẻ trong việc giúp con biết quản lý cảm xúc.
Người lớn nóng tính thì chắc chắn tính cách này sẽ ảnh hưởng đến hành vi và phát triển tâm lý của đứa trẻ. Đứa trẻ sẽ học hỏi được gì đây khi chính người dạy trẻ không biết quản lý cảm xúc tốt? Cho nên, người lớn nên là tấm gương lớn cho trẻ noi theo trong việc biết giử bình tĩnh để có các xử sự đúng mực và đúng với ngữ cảnh. Trẻ nhỏ học hành vi của người lớn rất nhanh, và thông thường những gì xấu lại được tiếp thu một cách rất tự nhiên. “Mất bình tĩnh là mất hết”, người lớn mất đi hình ảnh mẫu mực trước mắt đứa con, đứa con mất đi cơ hội để học hỏi cách giải quyết tình huống của cuộc sống.
- Hãy để cho trẻ cảm thấy “mình là người may mắn vì được sống trong hạnh phúc”
Còn nhớ cách đây không lâu, các khán giả của chương trình Kids’s Talent 2013 vỡ òa vì lời nói của một cậu bé 3 tuổi khi hỏi em rằng « Điều gì con muốn thực hiện cho mọi người ? », cậu bé đó trả lời « Con muốn mọi được hạnh phúc, vì con là một đứa trẻ hạnh phúc ». Câu nói tưởng chừng ngây ngô trong sáng kia thực sự đã đánh động đến cảm xúc của nhiều người. Vậy thì nếu dùng thang đo về EQ, cậu bé đó phải đạt điểm EQ tuyệt đối vì đáp ứng đủ 4 tiêu chí : nhận diện được cảm xúc của bản thân, nhận diện được cảm xúc của người khác, truyền được cảm ứng của mình đến người khác và kiểm soát được cảm xúc của bản thân để có được một câu trả lời xuất sắc.
Vậy thì, muốn trẻ thông minh, hãy tạo cho trẻ một môi trường sống sao cho trẻ cảm thấy bình yên và an lành trong vòng tay của những người thân yêu. Đứa trẻ cần có được sự thoải mái trong tâm hồn để có được nguồn cảm hứng khám phá thế giới. Niềm vui, hạnh phúc và tình yêu thương là những chất xúc tác không thể thiếu được để phát triển EQ.
Trung tâm Maika